Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

KHÁI NIỆM “BA CUỘC CÁCH MẠNG”



Cách diễn đạt dưới dạng công thức về ba nội dung cơ bản được xem là ba bộ phận cấu thành của đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị Trung ương Đảng LĐVN lần thứ 10 (khoá III) vào cuối năm 1964, trên cơ sở xem xét và bổ sung đường lối của Đại hội Đảng lần thứ III (1960). Ba cuộc cách mạng là: 1- Cách mạng quan hệ sản xuất; 2- Cách mạng kỹ thuật; 3-Cách mạng tư tưởng và văn hoá.

  Lúc đó, cơ sở lý luận dựa vào để khái quát thành ba cuộc cách mạng là học thuyết của Mác về hình thái kinh tế xã hội. Từ một nước kém phát triển như Việt Nam, Đảng LĐVN xác định, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải thực hiện cuộc cải biến cách mạng về mọi mặt, từ cơ sở kinh tế đến kiến trúc thượng tầng. Cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng kỹ thuật diễn ra trên lĩnh vực kinh tế nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội và cách mạng tư tưởng và văn hoá diễn ra trên lĩnh vực kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng con người mới và nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa. Trong cách diễn đạt này, cách mạng quan hệ sản xuất được đặt lên trước cách mạng kỹ thuật, theo quan điểm lập luận là cách mạng quan hệ sản xuất có vị trí mở đường thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất (nhìn chung, quan điểm này không phù hợp cả về lý luận lẫn thực tiễn).
  Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) khi xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến hành trên cả nước cũng nêu lại 3 cuộc cách mạng theo trình tự cũ và có thêm 4 mục tiêu, bao gồm: 1- Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; 2- Xây dựng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa; 3- Xây dựng nền văn hoá mới; 4- Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
  Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) trở đi với tư duy nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong các văn kiện của Đảng CSVN không còn diễn đạt 3 cuộc cách mạng và 4 mục tiêu như trước nữa. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) thông qua nêu lên 6 đặc trưng của CNXH và 7 phương hướng đi lên CNXH : 1- Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; 2- Phát triển lực lượng sản xuất; 3- Thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất; 4- Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá; 5- Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc; 6- Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; 7- Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét