Di dân là khái niệm được các nhà
nghiên cứu định nghĩa không thống nhất. Có nhà nghiên cứu coi đó là sự “thay
đổi nơi cư trú cố định” (Lee); có nhà nghiên cứu lại coi “sự thoát ly/rời tách khỏi cộng
đồng sống” là nội dung chính trong nội hàm khái niệm di cư (Mangalam và Morgan). Có nhà nghiên cứu cho rằng “giá trị hệ thống dựa trên đó
con người/cộng đồng người lựa chọn nơi cư trú” là tiêu chí chủ yếu nhận dạng
quá trình di dân (Paul Shaw).
Tổng hợp lại, di cư có thể hiểu là
sự chuyển dịch của con người từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn
vị lãnh thổ khác
trong thời gian nhất định kèm theo
sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Nói
cách khác, di
dân là một thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc quá trình con người
rời bỏ hoặc hội nhập, hoặc thiết
lập nơi cư trú mới
vào một đơn vị hành chính - địa lý trong một thời gian nhất
định. Di dân có thể liên quan đến sự di chuyển của một hay cá nhân, một gia
đình, thậm chí cả một cộng đồng.
Cùng với
khái niệm “di dân” có một số khái niệm liên quan như “người di dân”, “di dân gộp”,
“di dân ròng”, “nơi nhập cư”, “nơi xuất cư”, “di cư chênh lệch”… “Người di dân” là người trong một thời
gian nhất định, ít nhất là một lần thay đổi nơi cư trú của mình từ địa bàn này
sang địa bàn khác, từ khu vực lãnh thổ này sang khu vực lãnh thổ khác. “Di dân
gộp” là tổng cộng số người cùng đến và đi trên cùng một vùng, là chỉ số đo
lường toàn bộ dân số đến và đi trong một cộng đồng dân cư trên cùng một địa bàn
sống. “Di dân ròng” là khái niệm chỉ
sự chênh lệch giữa quy mô dân cư di chuyển đến và quy mô dân cư di chuyển đi –
một quá trình là kết quả trực tiếp của sự đồng thời tiếp nhận hoặc đánh mất đi
một số lượng dân cư nhất định trên một địa bàn cụ thể do sự chuyển dịch nơi cư
trú của người dân. “Nơi nhập cư” là
thuật ngữ chỉ địa bàn mà người di cư tìm đến với mục đích xác lập nơi cư trú mới.
“Xuất cư” là sự dịch chuyển/rời bỏ
nơi cư trú của người di cư để xác lập địa bàn cư trú mới. “Di cư chênh lệch” chỉ khoảng cách giữa các nhóm di cư khác nhau về
yếu tố nhân khẩu, hoàn cảnh xã hội, yếu tố văn hoá, kinh tế… Điều đó có nghĩa
là đối với những luồng di cư khác nhau sẽ có sự khác nhau trong cơ cấu thành phần,
trong đặc điểm nhận diện, trong tính chất dịch chuyển.
Dựa
trên những cơ sở khác nhau, có thể phân chia di cư thành các loại hình khác
nhau. Trên cơ sở thời gian, di dân bao gồm di cư lâu dài, di cư tạm thời và
di cư mùa vụ.
“Di cư
lâu dài" chỉ người/nhóm người di cư dịch chuyển nơi cư trú trong một
khoảng thời gian tương đối dài và có ý định ở lại nơi đến. “Di cư tạm thời” là sự xác lập nơi cư trú
của người/nhóm người trong một khoảng thời gian ngắn trước khi quyết định có ở
lại định cư tại nơi đó hay không. “Di cư
mùa vụ” là hình thức di cư đặc biệt của di cư tạm thời, nó không chỉ ám chỉ
khoảng thời gian di cư trùng với thời gian thu hoạch mùa vụ, mà còn chỉ khoảng
thời gian di cư phục vụ hoạt động kinh tế mùa vụ (mùa xây dựng, mùa du lịch…),
có nghĩa là người di cư dịch chuyển nơi cư trú theo mùa vụ để tìm kiếm việc làm,
không có ý định ở lại lâu dài tại địa bàn nhập cư, sẽ quay trở lại nơi xuất cư
nếu có nhu cầu lao động hoặc công việc gia đình.
Về hướng
di dân, gồm có hai hình thức di dân: Di dân nội địa và di dân quốc tế -
sự dịch chuyển nơi cư trú bên trong biên giới quốc gia hoặc vượt ra ngoài biên
giới quốc gia tới quốc gia khác.
Về địa
bàn đến, di dân có bốn loại hình: 1- Nông thôn – nông thôn; 2- Nông
thôn – thành thị; 3- Thành thị - thành thị; 4- Thành thị - nông thôn.
Về pháp
lý, có hai hình thức di dân: Có tổ chức và tự do; trong đó, di dân có tổ chức là loại hình di cư diễn
ra trong khuôn khổ các chương trình của Nhà nước, theo đó, người di cư được nhận
sự hỗ trợ ổn định đời sống từ Nhà nước, được Nhà nước định hướng địa bàn cư
trú, công ăn, việc làm, còn di cư tự do
bao gồm những người di cư không nằm trong chương trình di cư của Chính phủ, do
người di cư tự quyết định từ việc lựa chọn địa bàn nhập cư, đến trang trải mọi
phí tổn di chuyển, tìm việc làm…
that la hay
Trả lờiXóa